Chúng ta phàn nàn suốt ngày. Chúng ta cãi nhau với các thành viên trong gia đình. Chúng ta tiến hành chính trị trong văn phòng, nói xấu sếp, chơi khăm đồng nghiệp. Chúng ta la hét và chửi bới người khác khi tham gia giao thông. Chúng ta đánh giá mọi người về phong cách thời trang của họ. Một khởi đầu như thế chắc hẳn sẽ không cảm thấy thú vị chút nào nhưng nhiều người vẫn mắc phải trong vô thức.
Mở mắt ra là bắt đầu nghĩ lung:
- Làm sao kiếm được nhiều tiền xong có khi lại hỏi tiền nhiều để làm gì?
- Làm cách nào để thăng tiến, có một công việc mới? Nhưng đạt được rồi có khi lại thấy trống vắng.
- Hay là khởi nghiệp, tạo một kinh doanh mới?
- Trả góp, đầu tư vào một căn hộ hay mua một chiếc xe mới?
- Đi du lịch ở đâu?
- Chọn trường học nào cho con?
- Trưa nay, tối nay ăn gì?
- Chén em nào?
- …
Danh sách những câu hỏi và ham muốn rất dài. Đa phần có lẽ chúng ta giống nhau ở chỗ muốn giàu có, địa vị, danh vọng nhưng một đặc điểm cũng giống nhau là không trân trọng những thứ mình đang có. Khá vô ơn (Ungrateful).
Ai cũng muốn được hạnh phúc và có một khởi đầu hanh thông trong ngày đầu tuần. Đến chỗ làm vui vẻ, về nhà với vợ (chồng), con cái hạnh phúc yên bình, thân thiện với đồng nghiệp, được sếp quý mến.
Thật ra, bạn cũng đang có một số lượng lớn những thứ đó và điều quan trọng nhất là cần biết ơn về tất cả những gì mình có. Đó cũng là một phát hiện có phần muộn màng của tôi sau bao năm sống và làm việc trong sự thiếu chánh niệm và quay cuồng của đòi hỏi, tham vọng. Những điều tốt đẹp sẽ đến với những người biết trân trọng những gì họ có. Không ai nói điều đó tốt hơn Oprah Winfrey:
“Hãy biết ơn những gì bạn có; cuối cùng bạn sẽ có nhiều hơn. Nếu bạn tập trung vào những gì bạn không có, bạn sẽ không bao giờ có đủ.”
Biết ơn là thái độ hướng đến người khác trong khi nghĩ nhiều về bản thân là thái đô tập trung vào chính mình. Đành rằng con người là vị kỷ nhưng một chiến lược đúng đắn là cần hài hòa giữa lợi ích của bản thân và người khác. Người ta không thể duy trì một quan hệ nếu thiếu bình đẳng và có sự chênh lệch về lợi ích của các bên.
Hạnh phúc là hiệu của kỳ vọng và thực tế. Như vậy, để nâng cao hạnh phúc cần giảm sự quá kỳ vọng vào vấn đề, quan hệ, công việc cũng như hài lòng và chấp nhận thực tế như nó đang là trong khi cố gắng làm hết sức mình để cải thiện hoàn cảnh.
Bây giờ, bạn nên suy nghĩ về những gì mình đang có và biết hơn. Biết ơn gia đình, phối ngẫu, con cái vì họ mà chúng ta có động lực dậy sớm hàng ngày. Biết ơn sếp, cơ quan vì đã cho chúng ta một chỗ làm việc để thể hiện bản thân. Biết ơn đồng nghiệp về những giúp đỡ của họ. Biết ơn tất cả những người mà mình gặp gỡ và giao tiếp vì qua họ mình học hỏi và hoàn thiện hàng ngày.
Trong một ngày đầu tuần, với tất cả lòng biết ơn của tôi dành cho các bạn, xin các bạn nhớ 4 điều quan trọng vì nó là cơ sở nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc.
Nguồn: tác giả Đào Trung Thành