[Vòng 1] – Hàn Tín vượt 3 vòng phỏng vấn cực gắt trước khi làm đại nguyên soái

0
177

Hàn Tín được cho là vị nguyên soái giỏi nhất trong thời Hán Sở. Vì xuất thân hàn vi nên con đường công danh của Hàn Tín cũng gập nhiều trắc trở.

#ClassicHRStories mến gửi Anh/Chị/Em cùng tham khảo và luận bàn về câu chuyện tuyển và dùng người của bậc tiền nhân ở tuần này.

Sau khi Hàn Tín được Trương Lương phát hiện tài năng và được Trương Lương thuyết phục bỏ Sở theo Hán, đồng thời Trương Lương còn đưa Thư Tiến Cử cho Hàn Tín để Hàn Tín đưa cho Lưu Bang phong Hàn Tín làm Nguyên Soái phá Sở. 

Thế nhưng Hàn Tín nghĩ rằng “nếu ta đến tướng phủ gặp Tiêu Hà, đem lá thư của Trương Lương trình lên thì họ sẽ dựa vào sự tiến cử của Trương Lương, chứ chẳng thấy được hoài bão trong lòng ta. 

Vậy ta hãy tạm giấu bức thư đi đã, trước hết vào gặp Đằng công, rồi sau sẽ gặp Tiêu Hà, đem hết sở học thường ngày của ta mà thể hiện cho người thấy, khiến người ta biết rõ tài mình, chứ bất tất phải tâu lên Hán vương. 

Sau đó ta mới trình bức thư này lên, để người biết rằng ta chẳng phải chỉ là chăm chăm nhờ người mà thành sự vậy. Cổ nhân từng nói, khó tiến dễ lui, nếu tiến mà dễ dàng, thì rốt chẳng được dùng vào việc lớn. Tất là nên ban đầu thực khó, để kẻ sau không dám coi thường mình”. Do vậy Hàn Tín viết rõ họ tên quê quán để đến Chiêu Văn Quán bắt đầu tham gia vòng phỏng vấn gắt gao của nhà Hán. Đồng thời đây cũng là dịp để Hàn Tín thi triển tài năng, thể hiện rõ quan điểm của mình về Đạo Làm Tướng.

(Tác giả: Jessica Thảo Nguyễn – Tham khảo: Hán Sở Diễn)

Vòng phỏng vấn 1: Hàn Tín dấu Thư Tiến Cử của Trương Lương, tham gia vòng phỏng vấn với Đằng công Hạ Hầu Anh

Hàn Tín đến Chiêu Văn Quán, sau vài câu nói giao lưu xã giao với Đằng Công Hạ Hầu Anh, Tín nói ra nguyện vọng ứng tuyển của mình làm cho Đằng Công giật mình xuống thềm đưa tay dắt Hàn Tín lên sảnh và cúi đầu vái chào. Vị trí ứng tuyển của Hàn Tín được Tín mô tả như sau:

“Tài kiêm văn võ, học suốt trời người, ra tướng võ vào tướng văn, ngồi trấn Trung Nguyên, giữ an Hoa Hạ, bách chiến bách thắng, lấy thiên hạ dễ như trở bàn tay, đáng làm nguyên soái Phá Sở”. Đó chính là môn trong 13 vị trí tuyển dụng của Chiêu Văn Quán chưa nói tới. Tín lại nói tiếp: “Nếu như ngài muốn hỏi, Tín xin lấy cái đó mà nói để minh công hay, đó chính là việc Tín giỏi làm vậy”.

Sau khi Đằng công dùng vài lời khách khí để hỏi kế sách phá Sở,  Hàn Tín nói:

Những kẻ làm tướng ở đời, chỉ biết binh pháp mà không giỏi dùng thì dẫu thuộc lòng Tôn, Ngô, ngày nói thao lược, cũng chẳng có gì đáng kể vậy. Mà tất phải là hiểu binh pháp mà giỏi dùng, thì sau đó mới có thể làm lương tướng được. Xưa, nước Tống có bài thuốc chống nẻ tay, giữa tiết đông đại hàn mà tay không cóng nẻ.

Có một nhà nọ, mấy đời ở bên sông, sống bằng nghề giặt vải, dù ngày đông tháng giá, tay cũng không hề cóng nẻ, nhờ thế mà làm ăn thịnh vượng, nhưng không truyền bí quyết cho người ngoài. Gặp khi có hai vị khách đi qua, xin đưa 100 lạng bạc mà mua lấy bí phương ấy. Người nhà bàn bạc với nhau rằng, trọn ngày giặt giũ, chẳng qua cũng chỉ đủ được ăn no mặc ấm, chứ làm sao tích luỹ được nhiều bạc mà nuôi gia đình như thế? Chi bằng đem bí quyết ấy truyền cho hai vị khách biết.

Sau, hai người khách mua được bí quyết ấy rồi, đến nước Ngô, gặp đúng khi Việt vương đem quân đánh Ngô, thời tiết lạnh giá, quân Ngô bị rét không thể cử binh được, hai người khách ấy bèn hiến kế dùng thuốc nẻ cho quân sỹ bôi tay chân. Quân Ngô liền không sợ cóng giá nữa, đánh một trận thắng quân Việt, mà thành đại công.

Ngô vương mừng lắm, trọng thưởng cho hai người khách. Đều chỉ là một bài thuốc chống nẻ mà người nước Tống chỉ dùng vào việc giặt vải, còn hai người khách đem dùng thì đủ để phá giặc vậy. Tức cũng như cái đạo làm tướng, chẳng phải đọc binh thư mà còn phải giỏi dùng binh pháp vậy”.

Đằng công nói: “Hiền sỹ có đại tài như vậy mà ở Sở lại không được dùng vào việc lớn, là cớ làm sao?”. Tín nói: “Xưa, Bách Lý Hề ở nước Ngu không được dùng cho nên nước Ngu mất, ở nước Tần được dùng nên nước Tần thành bá nghiệp. Bậc hiền giả chưa từng vô ích với nước bao giờ, chỉ là ở chỗ ông vua nước ấy dùng hay không dùng mà thôi. Tín khi ở Sở đã nhiều lần dâng lời, nhưng Sở rốt không thể dùng. Sau, Phạm Tăng lại mấy phen tiến cử, mà Hạng vương vẫn cố chấp không dùng. Tôi biết rằng Hạng vương rốt cuộc sẽ chẳng thể dùng mình cho nên mới bỏ Sở theo Hán, mà mong ra sức vậy”. 

Đằng công nói: “Hiền sỹ ở Sở không được dùng, cho nên không bộc lộ được tài năng. Nếu nay được Hán vương dùng thì hiền sỹ có sách lược gì chăng?”. Tín nói: “Nếu Hán vương dùng tôi, tôi ắt thống lĩnh quân đội trong nước, tuyên xướng danh nghĩa cử binh tiến sang phía đông phạt Sở. Trước hết lấy Tam Tần, thứ đến thu sáu nước, khiến cho Hạng vương bị mất hết vây cánh, Phạm Tăng phải thúc thủ vô sách, chỉ mấy tháng là lấy lại được Hàm Dương dễ như trở bàn tay vậy! Chỉ e rằng minh công không thể tiến cử, mà Hán vương cũng chẳng thể dùng thôi”.

Đằng công nói: “Hiền sỹ nói lời đại ngôn, chỉ e không có thực học! Hạng vương chỉ cần một tiếng thét, cũng khiến muôn người bạt vía, chỉ trong 3 năm, tung hoành thiên hạ, các bậc vũ dũng tự cổ xưa tới nay chưa có ai sánh được bằng Hạng vương, thế mà hiền sỹ lại nói dễ dàng như vậy, chẳng cũng khoa trương lắm sao?”.

Tín nói: “Không phải thế, tôi mạo hiểm tới đây, lặn lội ngàn dặm, nếu không có kiến thức thực sự mà chỉ phí miệng lưỡi, đem lời khoác lác mà lừa người, thì ấy là cuồng vọng mà phải tội vậy. Với con mắt người Hán mà nhìn thì Hạng vương thật đáng gờm, nhưng tôi thì thấy chẳng bằng 1 đứa trẻ con vậy, sao có thể nói là vũ dũng quán cổ kim được?”. 

Đằng công nói: “Hiền sỹ có thể nói như thế, hẳn đã từng đọc qua các sách thao lược rồi?”.  Tín nói: “Muốn có tài làm tướng, ắt phải đọc khắp thi thư, biết rõ thành bại, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, chẳng một việc gì không biết, chẳng một vật gì không hiểu, há chỉ đọc thao lược mà thôi sao?”.

 Đằng công bèn lấy từ trên giá sách trong quán ra mấy cuốn sách Lục Thao Tam Lược, bảo Tín đọc thuộc. Hàn Tín bèn từ đầu chí cuối, đọc thuộc như nước chảy, thao thao bất tuyệt. Lại lấy các sách âm dương, y, bốc bảo Tín đọc thuộc, Hàn Tín cũng chẳng chữ nào không nhớ. Lại đem các loại binh khí ra hỏi Tín xem cách sử dụng thế nào, Hàn Tín lại đem căn nguyên của từng thứ binh khí cùng cách chế tác, sử dụng, nhất nhất trình bày, chẳng loại nào không biết. Đằng công từ sáng tới chưa cùng nghị luận với Tín tới hàng trăm hàng ngàn lời, mà không có chút sai sót nào. 

Đằng công nói: “Hiền sỹ thật là một bậc kỳ sỹ trong thiên hạ, cổ kim hiếm có vậy”. Đằng công định tâu với Hán vương để tiến cử Hàn Tín, nhưng Tín góp ý nên để gặp thừa tướng Tiêu Hà trước khi gặp Hán vương.

Luận bàn:

Đầu tiên Hàn Tín đã làm cho người ta phải ngạc nhiên về sự tự tin thượng thừa. Tự tin vì có Thư Tiến Cử như lá bùa hộ mệnh chưa cần dùng đến mà muốn sử dụng tài năng của mình để cảm phục Đằng công và tướng quốc. Vào thời điểm lúc ấy, chiếu theo lịch sử công tác thì Hàn Tín đảm nhiệm vị trí chấp lang kích là cao nhất, chưa từng làm tướng lĩnh, càng chưa làm Nguyên Soái bao giờ nhưng Hàn Tín lại dõng dạc khẳng định với Đằng công rằng việc Tín giỏi nhất là làm nguyên soái.

Điều đó cũng gần giống như 1 anh bảo vệ khẳng định điều anh ấy giỏi nhất là làm Tổng Giám Đốc ở thời điểm hiện đại ngày nay. Điều này sẽ làm nhiều người cổ hũ chê cười, nhưng xét thấy trong cuộc sống điều gì cũng có thể xảy ra như câu nói “Nothing is impossible – Không gì là không thể”.

Ví như Lưu Bang? Chẳng phải trước khi làm Hán vương thì Lưu Bang chỉ là 1 đình trưởng ham mê tửu sắc và bài bạc hay sao, theo như lời Lưu Bang tự nhận với Lã Văn (tức cha của Lã Trĩ, vợ của Lưu Bang) thì “Bang có 3 điều chưa lập nên được: một là nhỏ đã thất học, hai là sức yếu vô dũng; ba là nghèo chẳng đủ tiền” ? Tiêu Hà thì sao? Chẳng phải trước đây Tiêu Hà cũng chỉ là 1 huyện lại của huyện Bái theo Lưu Bang để chống Tần hay sao? Nếu như Lưu Bang, Tiêu Hà có thể làm nên điều khác biệt thì Hàn Tín cũng có thể vậy.

Có thể không loại trừ khả năng nhờ có Thư Tiến Cử của Trương Lương mà Hàn Tín tự tin hơn hẳn, từ cách ăn nói, quy cách đều ra dáng của 1 vị đại tướng. Hàn Tín nói chuyện với Đằng Công thì câu chữ đơn giản, ví dụ tường tận để Đằng Công dễ hiểu, rằng Tín là người không những thuộc lòng binh pháp mà còn giỏi vận dụng binh pháp.

Hàn Tín rất khéo léo điển tích “Xưa, Bách Lý Hề ở nước Ngu không được dùng cho nên nước Ngu mất, ở nước Tần được dùng nên nước Tần thành bá nghiệp.” lấy điển tích xưa để ngầm nói cho tình hình nay rằng “Hàn Tín ở nước Sở không được dùng thì kiểu gì nước Sở cũng sớm bị thôn tính, ở nước Hán nếu mà được dùng thì nước Hán sẽ sớm thành bá nghiệp”, theo kiểu “người khôn chỉ nói nửa lời, làm cho người dại nửa mừng nửa lo”.

Đằng Công sẽ mừng vì nếu quả Hàn Tín là hiền tài thì nước Hán coi như được cứu, lo là vì nếu Hàn Tín không phải là hiền tài thì sẽ uổng phí mất cơ hội của nhà Hán rồi. 

Đằng Công 2 lần hỏi về sách lược phá Sở nhưng khi được Tín trả lời dùng kế phá Tam Tần, chia rẽ các nước chư hầu, chặt đứt vây cánh để cô lập Hạng Vũ, rồi mới dễ dàng công phá Hạng Vũ thì Đằng Công lại hoài nghi và cho rằng những lời ấy là lời cuồng ngôn không thực. Vì rằng Đằng Công cho rằng Hạng vương Hạng Vũ là bậc vũ dũng tự cổ chí kim không có. Đấy là chưa kể Hạng Vũ lúc bấy giờ có Phạm Tăng làm quân sư, còn có Long Thư, Anh Bố, Trung Ly Muội, Quý Bố, Hạng Bá, Chu Lan,… là những dũng tướng tài kiêm văn võ. Điều này cho thấy nhà Hán vốn đã bị Hạng Vũ làm cho sợ hãi mất rồi.

May sao Đằng Công còn thực hiện các biện pháp khảo bài cơ bản như lật sách binh pháp, âm dương, y, bốc, cách sử dụng các loại binh khí mà giật mình phát hiện ra tài năng đọc thuộc nằm lòng không sót 1 chữ của Hàn Tín, một chút nữa là Đằng công đã sẩy mất một bậc kì sĩ trong thiên hạ vậy. Đến đây chúng ta cùng chúc mừng Hàn Tín đã vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên với Đằng Công Hạ Hầu Anh.

Còn tiếp ở vòng 1 & vòng 2 ở những kỳ sau.

LEAVE A REPLY