730 ngày tôi đã từ nhân viên lên chức trưởng phòng như thế nào? (Nguồn: Jobhop)

0
1667

730 ngày – 2 năm, tôi – một thanh niên nhảy việc liên tục, nay đã chạm đến chức trưởng phòng một cách ngoạn mục. Vì sao lại “vi diệu” đến thế? Lý do của tôi thật ra vô cùng đơn giản.

Bạn biết mình muốn gì chưa?

Thật ra khoảng thời gian 2 năm thật ra được tính từ lúc tôi biết mình muốn gì. Việc xác định mình muốn gì khiến tôi mất thời gian nhiều nhất. Tôi nhảy việc liên tục, thử ở nhiều lĩnh vực, làm ở nhiều công ty, các bạn có biết cảm giác 1 năm trời làm ở 3 – 4 công ty là như thế nào không? Chắc chắn rằng những ai mới ra trường đều hiểu cảm giác này. Nhưng nếu bạn có nhảy việc nhiều quá thì cũng đừng vội nản lòng, hãy chú trọng vào những công việc mình đã trải qua, tìm kiếm xem mình phù hợp với dạng công việc nào nhất. Biết mình muốn gì đó cũng là một dạng kĩ năng!

Chọn đúng chỗ làm

Hãy tìm hiểu trước công ty, bộ máy nhân sự tại đó “bằng mọi giá”, tìm tất cả các nguồn, bạn bè, người thân và gần nhất chính là… chị nhân sự. Chọn chỗ làm kĩ càng ngay từ đầu (sau khi biết mình muốn gì), sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng nhảy việc gấp sau 2 tháng thử việc.

Chọn đúng người dẫn dắt

Thiên thời, địa lợi rồi, bây giờ bạn phải tìm được một yếu tố quan trọng nhất: nhân hòa. Chọn được một người sếp tốt, biết dẫn dắt, khơi dậy những khả năng của mình có lẽ chính là điều khó khăn nhất. Làm việc với một người lãnh đạo am hiểu, tinh tế là cách nhanh nhất để bạn tiến bộ và thăng tiến trong công việc.

“Thay thái độ, đổi cuộc đời”

Bạn nghĩ câu nói này có phần… “sáo rỗng”? Không đâu nha, 85% thành công của mỗi người sẽ được quyết định bởi quan điểm và tính cách của mình. Vì thế, thay vì trách móc và suy nghĩ tiêu cực, hay luôn nhìn về mặt tốt của vấn đề bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt chỉ trong 1 tuần.

Tạo hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt mọi người

Có nhiều bạn than vãn với mình, rằng vì sao làm nhiều việc như thế nhưng lại không được sếp và đồng nghiệp công nhận. Có thế không phải do năng lực của bạn đâu, mà do cách bạn để lại ấn tượng trong mắt người đối diện. Hãy dành thời gian khiến bản thân sạch sẽ, gọn gàng, sắp xếp bàn làm việc ngăn nắp, thái độ chỉn chu cũng là cách nâng cao giá trị bản thân và sự tín nhiệm của mọi người.

Đừng ngại việc

Việc gì sếp cũng giao cho bạn? Đừng vội né tránh, hãy “hoan hỉ” nhận lấy và hoàn thành việc đó một cách hết sức. Đừng quên liệt kê những việc bạn đã làm mỗi ngày như một báo cáo nhanh, như vậy, sếp của bạn sẽ ngầm đánh giá cao khả năng làm việc của bạn.

Hãy luôn giữ sự chính trực của bản thân

Hãy xem sự chính trực như một điều thiêng liêng, mỗi phi vụ làm ăn đều dựa trên sự uy tín và thành công. Bạn nên nhớ rằng: “Mỗi hạt giống của lòng nhân ái cuối cùng rồi cũng đơm hoa kết trái, mỗi bước đi đúng đắn cuối cùng rồi cũng mang đến thành công đích thực”.

Đòi hỏi những gì bạn muốn

Đừng dè dặt lo sợ khi nói lên sự mong muốn của mình, đó có thể là một mong muốn để công việc trở nên tốt hơn, cũng có thể là mong muốn về đãi ngộ. Bạn hãy thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình bởi vì thành công không đến với người chỉ biết ngồi một chỗ và ao ước, nó chỉ đến với những người biết cách đòi hỏi những điều mình mong muốn.

5 Năm nữa em là ai?

Có thể bạn đã gặp câu hỏi này khi đi phỏng vấn, nó không hề “sáo rỗng” đâu vì bạn phải biết chính xác mình muốn gì, khả năng của mình là gì thì mới có thể trả lời được câu hỏi đó. Khi bạn luôn tìm cách phát triển bản thân và công ty, đó là khi bạn nhận được sự tín nhiệm từ cấp trên của mình.

Bạn đã đi làm được bao lâu và còn thiếu điều gì phía trên không? Những chia sẻ trên hoàn toàn là kinh nghiệm của mình, nếu có điều chi góp ý mời các “cao nhân” để lại bình luận phía dưới nhé!

(Nguồn: Jobhop)

LEAVE A REPLY