NGUYÊN TẮC 4S – NGƯỜI KHỞI NGHIỆP NÊN BIẾT

    0
    1344

    Chúng ta có 4P trong Marketing (đôi khi là 7P) và 3C trong kinh doanh. Chúng ta có mô hình phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (hay gọi tắt là SWOT) và còn rất nhiều mô hình trục tọa độ lý thuyết hay học thuật bạn có thể sử dụng để phân tích các thách thức trong công việc kinh doanh và tìm ra giải pháp.

    Mỗi công cụ có những giá trị và đặc điểm hữu ích riêng mà bạn có thể áp dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cố gắng áp dụng tất cả vào một doanh nghiệp mới khởi nghiệp có thể khiến vấn đề mà bạn gặp phải trở nên phức tạp hơn.

    Việc bắt đầu kinh doanh có thể gói gọn trong bốn yếu tố đơn giản mà ở đây tôi gọi tắt là 4S. Nếu ý tưởng kinh doanh của bạn đã bao hàm hết các yếu tố này, thì theo lý thuyết, bạn có thể sẵn sàng khởi nghiệp.

    🔐 SOLUTION – GIẢI PHÁP

    ▪️ Bạn đã xác định được giải pháp cho vấn đề hay các vướng mắc của khách hàng hay chưa?
    ▪️ Liệu giải pháp của bạn có giúp cải thiện cuộc sống của người tiêu dùng?

    Cho dù bạn đang sản xuất một mặt hàng hay cung cấp một dịch vụ vật chất, công ty của bạn phải mang lại các giá trị cho khách hàng. Mặc dù các sản phẩm mới liên tục được tạo ra, công ty của bạn không nhất thiết phải đi theo những lối mòn sẵn có.

    Hãy cân nhắc, ví dụ như, có rất nhiều công ty tuyệt vời được sáng lập từ những vấn đề mà người sáng lập gặp phải nhưng chưa có giải pháp trên thị trường. Hoặc nếu như đã có giải pháp thì nó cũng chưa đủ đáp ứng yêu cầu hay quá đắt đỏ.

    🔐 SYSTEM – HỆ THỐNG

    ▪️ Bạn có thể sản xuất hay cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đã phát triển không?
    ▪️ Có ai đó khác có thể sản xuất hay cung cấp nó cho bạn được không?

    Hãy xác định rõ hệ thống mà bạn sẽ sử dụng để sản xuất hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ của mình. Đôi khi, một ý tưởng quá mới hay quá sáng tạo sẽ khiến việc sản xuất nó trở nên quá đắt đỏ, bị hạn chế hay thậm chí không tồn tại. Nhưng có thể một công ty hay một dịch vụ đang tồn tại khác có khả năng tạo ra sản phẩm đó cho bạn và đưa ra thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn, thông qua một hợp đồng bản quyền.

    Thêm vào đó bạn phải quyết định các vấn đề kinh doanh quan trọng khác, từ cấu trúc công ty cho đến việc quản lý tài chính và hồ sơ giấy tờ. Dù thời gian đầu, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả các công việc hành chính này thì sau này bạn cũng có thể giao chúng lại cho một đội ngũ thích hợp.

    🔐 STRATEGY – CHIẾN LƯỢC

    ▪️ Làm thế nào bạn tiếp cận khách hàng đầu tiên?
    ▪️ Bạn có biết làm cách nào để tìm ra khách hàng thứ một triệu?
    ▪️ Làm thế nào bạn có thể mở rộng quy mô công ty?
    ▪️ Bạn đã bao giờ cân nhắc việc rời khỏi công ty như thế nào mà vẫn có được lợi nhuận?

    Rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp với những ý tưởng tuyệt vời, mở công ty và sau đó thất bại chỉ sau một thời gian ngắn khi cạn vốn. Có thể họ thiếu khả năng mở rộng doanh nghiệp hay đã đa dạng hóa kinh doanh quá nhiều (hoặc quá ít).

    Việc có tầm nhìn và cân nhắc chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đang dẫn dắt công ty theo hướng phù hợp. Phát triển kế hoạch kinh doanh là một bước tuyệt vời để bắt đầu, nhưng ngày nay, tính linh hoạt là yếu tố cần thiết cho sự thành công.

    Hãy cân nhắc việc tạo ra một chiến lược như việc chuẩn bị cho một chuyến đi dài băng qua biển. Rõ ràng, bạn cần phải có một bản đồ và một đích đến, những công cụ phù hợp cũng như ý thức rằng bạn có thể phải đi chệch hướng so với kế hoạch ban đầu trong trường hợp khẩn cấp.

    Kế hoạch ban đầu luôn là thách thức với hầu hết các doanh nhân mới khởi nghiệp bởi họ có quá ít kinh nghiệm và không biết phải mong đợi điều gì. Đây chính là lúc tìm đến những nhà cố vấn hay người thầy, thậm chí là các nhà đồng sáng lập dạn dày kinh nghiệm. Đó sẽ là một sự giúp đỡ to lớn.

    🔐 SPINE – CHÔNG GAI

    ▪️ Bạn có đủ dũng cảm để bắt đầu khởi nghiệp?

    Yếu tố cuối cùng cho bản kế hoạch khởi nghiệp là tìm ra dũng khí để bắt đầu. Nếu bạn đã có ba yếu tố trên để bắt đầu khởi nghiệp, sẽ không còn lý do gì có thể khiến bạn chùn bước. Mặc dù hiểu được điều đó, vẫn có nhiều công ty mới thành lập gặp thất bại.

    Có thể bạn sẽ không thành công trong lần kinh doanh đầu tiên nhưng những doanh nhân giỏi nhất là những người luôn thể hiện sự tự tin, khiêm tốn và luôn nhớ những bài học giá trị từ những thất bại mà họ vấp phải trước đó.

    • Tổng hợp (AlphaLeaderAcademy)

    LEAVE A REPLY