“Xu hướng online của giới trẻ Việt Nam” – chia sẻ của Chị Lê Diệp Kiều Trang – Nguyên GĐ Facebook Việt Nam trong chương trình do FBNC tổ chức ngày 23/11/2019

    0
    1137

    Xu hướng online của giới trẻ Việt Nam.

    Cuộc sống của chúng ta đã thay đổi như thế nào khi có thế giới kết nối với mạng internet? Hằng ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian để online? Và chúng ta đang lên mạng vào những mục đích gì? Liệu rằng chúng ta có thể sống mà thiếu mạng internet hay không? Ngày nay, giới trẻ Việt Nam đang có xu hướng online như thế nào? Phải chăng mọi ngóc ngách của cuộc sống mỗi chúng ta đâu đó đều có sự hiện diện của “thế giới online”. Đời sống thực offline ngày nay đan xen giữa “thực và hư ảo”, giữa “online và offline”.

    Thật ra, mỗi chúng ta ai cũng có lý do riêng của mình để kết nối online vào mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Đó có thể là giải trí, làm việc, học tập hoặc tán gẫu, kinh doanh, mua bán, hoặc thậm chí là tìm người yêu. Nhưng dù cho lý do có là gì đi chăng nữa, thì khoảng thời gian mà chính mỗi chúng ta dành cho các hoạt động này không hề ít và đang có xu hướng dần tăng lên. Khi mà hình ảnh những “xác sống” mỗi ngày cứ nhìn chăm chăm vào màn hành smartphone để gõ gõ, bấm bấm đã trở nên rất đổi bình thường, từ chốn công sở, ngoài đường, thậm chí những nơi ăn uống, vui chơi…. Có một thống kê tại Việt Nam, theo lời của chị Kiều Trang chia sẻ, tỷ lệ người dùng thiết bị có kết nối internet tại Việt Nam hiện nay đang vào khoảng 64 triệu (trên tổng dân số gần 100 triệu dân), và khoảng thời gian mà chúng ta dành để kết nối internet là 6 tiếng 42 phút. Nền kinh tế số (Digital) đã và đang là xu hướng với đóng góp 5% GDP trong tổng GDP của Việt Nam. Chính sử phổ cập hoá của internet với mức cước phí dữ liệu (data) qua rẻ, kèm thêm sự nở rộ của các thiết bị di động thông minh (smartphone), giới trẻ nói riêng và người dân nói chung giờ đây có thể tiếp cập thông tin của thế giới và kết nối với nhau quá dễ dàng.

    Tại khu vực nông thôn, người dân không có nhiều lựa chọn cho các loại hình giải trí, do đó, có thể nói họ chọn các kênh giải trí trên ineternet như một sự bù đắp và khoảng thời gian mà chính họ dành cho việc lên ineternet để giải trí, học tập đôi khi còn lớn hơn ở khu vực thành thị. Đây là một sự chuyển dịch và là một xu hướng tất yếu. “Lên mạng ngày nay” không đơn thuần là việc đọc báo hay nghe nhạc, xem phim nữa, mà đó còn là nơi mua sắm, săn hàng, đặt xe, đặt món ăn, và quan trọng hơn hết là “lên mạng xã hội” để kết nối với thể giới, để thể hiện bản thân của mình trước phần còn lại của thế giới rộng lớn.

    Không chỉ giới trẻ thích nghi nhanh chóng với các xu hướng công nghệ, mà các đối tượng là người già, trung niên, cũng đã từng bước tiếp cận và sử dụng internet, mạng xã hội ngày càng nhiều. Đó chính là sự tiện dụng, đơn giản và nguồn thông tin vô hạn, gần như từ già đến trẻ, từ nông thôn đến thành thị, từ mục đích này hay mục đích khác, internet đã dần thay đổi cuộc sống con người Việt Nam rất nhiều, đó là một phương tiện sống và là một phần tất yếu của mọi hoạt động mà chúng ta đang trải nghiệm.

    Bạn đã bao giờ tự hỏi, một ngày sẽ ra sau nếu thiếu sự kết nối với thể giới thông qua smartphone và mạng internet ? Và liệu rằng, có phải ngay cả chính lúc chúng ta ngủ, chúng ta vẫn đang kết nối, vẫn online. Mỗi một ngành, lĩnh vực đời sống, internet đã làm số hoá và biến những giới hạn về mặt không gian, thời gian và quy mô trở nên “phẳng” hơn.

    Internet làm bùng nổ nền kinh tế số.

    Theo chia sẻ của chuyên gia Lê Diệp Kiều Trang, năm 2019 nền kinh tế dựa vào Ecommerce của Việt Nam trị giá khoảng 5 tỷ đô, online travel trị giá khoảng 4 tỷ đô, tiếp đến là online media (facebook, youtube) khoảng 3 tỷ đô và thị trường gọi xe, đặt món ăn tổng doanh thu khoảng 1 tỷ đô. Có những ngành nghề, lĩnh vực thực tế là miếng bánh thị trường không lớn, tuy nhiên với sự thuận tiện của công nghệ, những giá trị kết nối nhanh chóng tăng quy mô trên diện rộng và không giới hạn  về mặt không gian, thời gian đã làm thúc đẩy thị trường, làm miếng bánh của các ngành, nghề được “nở” ra. Thậm chí, sự chuyển đổi của nền kinh tế số là phá vỡ rào cản gia nhập ngành, thay đổi cách ngành hoạt động trước đây, đe doạ những cách thức, những công ty hoạt động theo mô hình truyền thống, mở ra một ngành nghề mới chưa từng có. Có thể lấy một ví dụ khá thực tế, chính là mô hình gọi xe và gọi đồ ăn với sự tiên phong khai thác giá trị, sự tiện dụng của xe hai bánh tại thị trường Indonesia, Go-jek thực sự đã tạo ra một đại dương xanh trong mảng này, mà truớc đó chưa được khai thác. Nền kinh tế với văn hoá ăn uống tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nở rộ của mảng gọi đồ ăn trong suốt 2-3 năm vừa qua.

    Game – có đơn thuần chỉ là giải trí?

    Rõ ràng, mục đích lớn nhất của “game” có lẽ là tính giải trí của nó. Thế nhưng, game trong thế giới internet lại rộng lớn bao la vô cùng, Bạn có thể kết nối với nhiều người chơi, thậm chí thách đấu với những người giỏi nhất thế giới. Ở thế giới ảo ấy, bạn được thể hiện chính mình và được mọi người dành cho một sự “ngưỡng mộ” khi bạn giành chiến thắng. Game ngày nay còn thu hút một lượng ngời “coi chơi game” hùng hậu, chính vì thế ngành quảng cáo đi theo game không thể bỏ qua một miếng bánh màu mở được, các nhãn hàng nhảy vào và thúc đẩy kinh doanh. Người chơi game thì tiếp tục chơi game strameming như một hoạt động kiếm tiền và thu hút lượng người xem, thời gian xem

    Banking và những thúc đẩy của Fintech.

    Theo thống kê, tỷ lệ người dân Việt Nam hiện nay có tài khoản ngân hàng chưa đến 1 nửa dân số (chỉ vảo khoảng 40%). Tức là thói quen dùng tiền mặt, trữ vàng và tài sản trong dân theo tập quán và thói quen tiêu dùng vẫn còn rất cao. Điều này sẽ làm giảm khả năng tiêu dùng và các hoạt động liên quan đến thanh toán, nhất là thanh toán online. Tỷ lệ người dân tại nông thôn sở hữu tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, thẻ tín dụng là cực thấp. Đó có thể là những hạn chế của ngành ngân hàng, khi mà các chi nhánh, hoạt động của họ không thể đến được ở nhiều vùng nông thôn bởi khoảng cách về địa lý và khả năng mở rộng quy mô. Người dân tại các vùng nông thôn đôi khi cũng có những giao dịch với ngân hàng và các hoạt động liên quan đến tiết kiệm, nhưng để có thể đến ngân hàng giao dịch có quá nhiều rào cản: địa lý xa xôi và hạn chế hiểu biết về tài chính của người dân. Và nhu cầu này trong dân là cực kỳ cao, mở ra một thị trường vô cùng tiềm năng cho các công ty liên quan đến Fintech – cho phép những giao dịch ngang hàng trở nên thuận tiện và nhanh chóng, không bị rảo cản về mặt không gian và sự tiện lợi nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một khoảng thời gian dài để “giáo dục” cho thị trường và người dân để hiểu, tin tưởng về hoạt động này trong thời gian tới.

    Online Education – tiềm năng vẫn chưa được đánh thức.

    Hoạt động đào tạo trực tuyến tại Việt Nam vẫn đã và đang manh nha phát triển trong những năm qua, nhưng có thể nói vẫn chưa tương xứng và có những thay đổi rõ rệt, cụ thể. Đó có thể là do cách làm của chúng ta chưa khác biệt, cách chúng ta làm truyền thông chưa hay? Thị trường vẫn còn “đều đều” và chưa có sức bật. Nếu được đầu tư đúng mức, lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp, đây sẽ là mảng tiềm năng trong những năm tới với nhiều nền tảng đào tạo online. Và chính online education với thế giới đào tạo sẽ làm cho các nhân tài (talent) trong doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thêm bản lĩnh, cập nhật tri thức nhanh chóng. Mặt khác, tái đào tạo những “lão làng kinh nghiệm” ở các doanh nghiệp lớn bước ra ngoài đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ với một tư duy khác, một sự thay đổi về tư duy. Chính điều nảy sẽ làm thay đổi mảng tuyển dụng và đào tạo trong những năm sắp tới của nền kinh tế số.

    Xét cho cùng, internet với digtial chỉ là một công cụ kết nối giúp cho cuộc sống và các hoạt động của con người thêm dễ dàng, hơn hết, đó chỉ là một chiếc “kính lúp” mà thôi. Các hoạt động online hay offline với ranh giới khá mong manh, việc con người ngày càng kết nối nhiều hơn qua internet, mạng xã hội làm cho thế giới thực và ảo luôn song hành cùng nhau. Doanh nghiệp cần thay đổi nhanh chóng để chuyển đổi về phục vụ khách hàng theo phương thức mới, bởi lẽ, khách hàng đã online nhiều hơn, các hoạt động đều diễn ra trên không gian mạng. Và đó là cơ hội dành cho những doanh nghiệp biết nắm bắt nhanh và khác biệt.

    (Bài viết được tổng hợp dựa theo sự chia sẻ của Chị Lê Diệp Kiều Trang – Nguyên GĐ Facebook Việt Nam trong chương trình do FBNC tổ chức ngày 23/11/2019 về chủ đề: Xu hướng online của giới trẻ Việt Nam).

    LEAVE A REPLY