“HỌC ĂN” – NHỮNG QUY TẮC ỨNG XỬ CƠ BẢN

    0
    703

    Từ xa xưa ông bà ta đã có câu “Học ăn – học nói – học gói – học mở” hoặc câu “Ăn trông nồi – ngồi trông hướng” để thấy được tầm quan trọng của cách ăn uống.

    Nhìn vào cách ăn uống của một người, có thể phán đoán được tính cách, văn hóa, phép lịch sự của người ấy như thế nào.

    “Học ăn” những tưởng đơn giản nhưng không phải là ai cùng biết. Trong khuôn khổ bài viết này, mình xin chia sẻ những đúc kết về những quy tắc ứng xử cơ bản khi ăn uống tại nhà hoặc tại các bữa cơm truyền thống thân mật.

    TRƯỚC KHI ĂN

    1. Hãy ngồi theo sự xếp chỗ của chủ nhà hay chủ tiệc, không tự ý ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà/ chủ tiệc chưa mời ngồi.
    2. Không ngồi tì sát bàn ăn nhưng cũng không ngồi xa quá.
    3. Không ăn trước người lớn tuổi, chờ họ bưng bát lên mình mới được ăn. Nếu đi làm khách không gắp đồ ăn trước chủ nhà (trừ ra bạn được đề nghị gắp trước hoặc trong một dịp nhất định).
    4. Không ngồi rung đùi khi ăn.
    5. Không để tay dưới bàn nhưng cũng không chống khủy tay hay cả hai cánh tay lên bàn. Khi chưa bưng bát thì phần cổ tay đặt trên bàn nhẹ nhàng.
    6. Không ngồi chống cằm trên bàn ăn.
    7. Nên thành thực nói trước về việc ăn kiêng, dị ứng (nếu có) khi được mời làm khách để tránh bất tiện cho chủ nhà.
    8. Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăn.
    9. Nếu muốn chừa phần cho ai đó, nhất thiết để vào đĩa riêng trước, không khi nào để phần theo kiểu ăn dở còn lại trong đĩa.
    10. Nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện, tránh va chạm tay với người cùng ngồi ăn.
    11. Hãy lịch sự mời mọi người trong bàn ăn trước khi ăn
    12. Nếu thấy thức ăn miếng lớn nên xin cắt nhỏ để mọi người được thuận tiện
    13. Khi thức ăn nằm ở xa khỏi tầm với, hãy nhờ người gần hơn lấy hộ, không vươn chồm mình rời mông khỏi ghế để cố lấy thức ăn. Bạn có thể đứng dậy lịch sự xin phép chia thức ăn ra để những người ở xa có thể dễ dàng lấy được thức ăn.
    14. Hãy lịch sự gắp thức ăn cho người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ con trước

    TRONG QUÁ TRÌNH ĂN UỐNG

    1. Nếu trong bàn ăn và vị trí nồi cơm vô tình đặt vào vị trí bạn đang ngồi. Hãy thật khéo léo để bới cơm vừa 2/3 chén, không quá đầy và quá ít.
    2. Khi ăn, hãy gắp thức ăn vào bát riêng rồi hãy đưa lên miệng ăn.
    3. Không dùng muỗng đũa cá nhân của mình đế quấy vào tô, dĩa thức ăn chung.
    4. Không bới, xới đĩa thức ăn lên để cố chọn miếng ngon hơn, nên nhìn và quan sát xem mình nên gắp món ăn nào, và miếng nào trong món đó rồi hãy đụng đũa.
    5. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.
    6. Hãy ưu tiên nhường phần ngon nhất cho người lớn, người quan trọng hay phụ nữ, trẻ em.
    7. Khi chấm thức ăn vào nước chấm, chỉ nhúng thức ăn vào nước chấm, không nhúng cả đầu đũa.
    8. Phải trở đầu đũa khi muốn tiếp thức ăn cho người khác.
    9. Không được liếm, mút đầu đũa, muỗng, nĩa.
    10. Muỗng kiểu múc canh phải đặt úp trong tô không được để ngửa.
    11. Không gắp liên tục 1 món dù đó là món khoái khẩu của mình.
    12. Phải ăn hết thức ăn trong chén dĩa, không để sót hạt cơm nào.
    13. Hãy sử dụng muỗng hay đũa khi ăn thức ăn có nước như cháo, chè, súp, canh,… đừng bê cả bát hay tô bằng hai tay mà húp hết.
    14. Hãy chia miếng ăn ra nhỏ hơn, tuyệt đối tránh ăn miếng lớn trong miệng và nhai sẽ trông khó coi.
    15. Không chu mồm thổi thức ăn nóng mà múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa.
    16. Không tạo tiếng ồn nhóp nhép, chép miệng hay nuốt ực thành tiếng khi ăn
    17. Không nói chuyện hay uống nước khi miệng còn thức ăn.
    18. Không gõ đũa bát muỗng hay cố ý tạo ra tiếng va chạm.
    19. Ăn từ tốn, không ăn hối hả, không vừa đi vừa nhai; cùng không ăn quá chậm.
    20. Không cúi mặt chăm chăm vào phần ăn của mình, hãy giữ lưng thẳng, đầu để ngang tầm mắt.
    21. Khi ăn không được để thức ăn dính ra mép, ra tay hay vương vãi, đứng lên là khăn trải bàn vẫn sạch.
    22. Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.
    23. Không lật cá khi đang ăn, nếu ăn hết một bên cá thì gỡ xương và ăn tiếp phần còn lại.
    24. Không ợ thành tiếng trong bàn ăn, nếu lỡ có thì hãy lịch sự xin lỗi.
    25. Không để các dụng cụ ăn, nước chấm cá nhân của mình lấn qua khu vực ăn của người khác
    26. Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăn.
    27. Nếu bạn cần một cái gì đó trên bàn, đừng cố vươn tay hay nhoài người ra lấy, hãy nhờ những người gần chỗ đó lấy giúp bạn
    28. Đừng chỉ tập trung vào thức ăn. Hãy chú ý đến mọi người xung quanh, sử dụng kỹ năng hòa nhập và quan tâm đến cuộc trò chuyện.
    29. Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Món không ngon với người này nhưng ngon với người khác, hãy trân trọng công sức nấu ăn của người khác.
    30. Khi đang ăn mà có việc riêng phải xin phép rồi mới rời bàn ăn
    31. Đừng chăm chăm nhìn vào điện thoại trong lúc đang ăn – đó là phép lịch sự trong giao tiếp mà bạn cần tuân theo. Nếu bạn thực sự phải sử dụng điện thoại, hãy rời khỏi bàn và trở lại khi bạn có thể tập trung mọi sự chú ý và trò chuyện với mọi người.
    32. Chú ý để ý khi ăn, hãy ăn từ tốn, chậm rãi nếu đồ ăn ít, không tranh phần của người khác và không cố ăn lấy ăn để dù rất đói.

    SAU KHI ĂN

    1. Lịch sự xỉa răng bằng cách che miệng
    2. Đừng bao giờ kiểm tra lại tóc, lớp trang điểm ngay tại bàn ăn
    3. Ngồi lại bàn sau khi ăn xong, dù bạn là người có thói quen dùng bữa nhanh, gọn trước người khác hoặc người khác ăn chậm hơn, hãy cố gắng đợi để cùng kết thúc bữa ăn. Nếu bữa ăn đó có người lớn tuổi hay món ăn không hợp khẩu vị bạn thì bạn cũng đừng vội đứng dậy trước chủ nhà.
    4. Nhất thiết nói cảm ơn sau bữa ăn. Đừng tiếc lời khen ngợi những món ăn ngon.

    P.s. Có ai làm được hết những điều trên chưa nhỉ 😋😜😅🥰

    FB Hanh Tran Marie

    LEAVE A REPLY