GẮN KẾT NHÂN VIÊN BẰNG MỤC ĐÍCH CỦA DOANH NGHIỆP (Nguồn: sưu tầm)

0
363

Khi được hỏi “Bạn làm gì trong công ty?” thì hầu hết nhân viên sẽ mô tả nhiệm vụ/công việc họ phải thực hiện hàng ngày chứ không nói về muc đích của doanh nghiệp mà họ làm việc.
Hầu hết mọi người tự nhìn nhận mình trong một hệ thống mà họ có rất ít hoặc không có ảnh hưởng với nó.
Họ thực hiện công việc và nhận trách nhiệm của mình trong phạm vi giới hạn của vị trí chức vụ mà công ty giao cho họ.

Khi nhân viên chỉ tập trung vào vị trí công việc của họ, họ sẽ khó nhận ra trách nhiệm cho kết quả chung cùng với sự tham gia của những vị trí khác.

Khi kết quả không tốt thì việc truy tìm nguyên nhân cũng trở nên khó khăn và mọi người có khuynh hướng “đổ lỗi cho một ai đó, phòng ban nào đó” hơn là nhận trách nhiệm về mình.
Chẳng hạn phòng bán hàng sẽ đổ lỗi cho phòng marketing là quảng bá sản phẩm quá tệ khách hàng không biết tới sản phẩm, phòng marketing sẽ đổ lỗi cho phòng sản xuất là tạo ra sản phẩm không có tính cạnh tranh.
Việc đổ lỗi này nó phản ánh hội chứng “Bảo vệ mình được an toàn”, tôi chỉ biết làm tròn bổn phận của mình, việc còn lại là do anh kia/chị kia chứ không phải do tôi.
Khi chúng ta chỉ tập trung vào công việc của riêng mình, chúng ta sẽ khó mà thấy được hành động của mình gây ra cho những người xung quanh như thế nào, cho các bộ phận khác ra sao.

Và khi những hành động đó tạo ra những hệ quả không tốt, chúng ta lại tìm lý do bên ngoài để đổ lỗi hoặc chí ít là chúng ta cho rằng nguyên nhân là từ những thứ bên ngoài hơn là từ chính bản thân mình. Một vòng lẩn quẩn cứ thế lặp đi lặp lại.

Trong thực tế hiếm khi tất cả mọi thành viên trong công ty cùng ngồi lại với nhau bao gồm cả người sáng lập để cùng làm rõ mục đích của công ty mình là gì, tại sao công ty này tồn tại, sáng lập ra công ty này để làm gì, nếu không có công ty này thì cuộc sống của mình và mọi người sẽ ra sao, nếu mình và mọi người làm theo cái cách mà như trước giờ vẫn làm ở những nơi khác thì công ty này sẽ ra sao?
Chỉ khi tất cả cùng nhau đi tìm câu trả lời, có thể mất 1 buổi hoặc kéo dài nhiều buổi, thì mọi người dần bắt đầu quan tâm hơn đến cái chung, đến những thứ xung quanh, đến những cá nhân/ bộ phận hỗ trợ trực tiếp/ gián tiếp cho công việc của mình.
Mọi người sẽ cần cởi mở hơn, cánh cửa “Trái tim” sẽ được mở ra chào đón những đồng nghiệp xung quanh và tâm lý “sợ bị phản bội/ sợ bị đâm sau lưng/ sợ bị chơi xấu dìm hàng” sẽ được “Cởi trói” vì họ biết rằng bản thân họ và những người xung quanh cần chung tay “Chiến đấu” cho điều gì chứ không phải suốt ngày chỉ biết “Dè chừng nhau, đấu đá nhau”.

Tuy nhiên trong thực tế, có những câu chuyện mà không biết nên vui hay buồn.

Có nhiều chủ doanh nghiệp tôi từng tiếp xúc qua cho rằng nói mấy chuyện về tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích với nhân viên chi cho mất công, chỉ cần trả lương cao đúng ngày là được. Người khác thì bảo nhân viên bên họ chỉ toàn công nhân, nói mấy cái này xa vời quá họ chẳng hiểu mà cũng không cần hiểu.
Có người thì lúc đầu cũng rầm rộ tổ chức phong trào thi đua tìm hiểu về sứ mệnh, mục đích của công ty nhưng rồi sau đó để trôi vào quên lãng, cả những người nhận thưởng vì trả lời đúng sau 1 tuần hỏi lại họ cũng không nhớ luôn.

Tôi luôn băng khoăn liệu là những người chủ này họ có thực sự quan tâm đến mục đích tồn tại của chính doanh nghiệp mình mở ra hay không, hay họ chỉ ghi để làm đẹp profile công ty hoặc chỉ để làm truyền thông cho “hoành tráng”?

Khi nhân viên họ không biết mình làm việc cho điều gì đó ý nghĩa hơn ngoài việc làm để nhận lương thì họ sẽ chỉ chịu trách nhiệm hay làm việc “vừa đủ tương xứng” với mức lương họ nhận, họ sẽ né tránh xung đột, cố bảo vệ những lợi ích của riêng mình.
Cuối cùng chúng ta sẽ có được một tập thể mà ở đó sợi dây gắn kết vô cùng mỏng manh, một tập thể mà người ta chỉ quan tâm lo cho cái riêng nhiều hơn cái chung.
Và cuối cùng chỉ có người chủ, một mình cô đơn ra sức chèo lái con thuyền giữa sóng gió đại dương.

Tôi tin rằng khi mọi thành viên trong công ty, họ hiểu họ đang làm gì để cống hiến cho mục đích của doanh nghiệp thì tâm thế họ sẽ khác, sự gắn kết chặt chẽ hơn, nội lực được phát huy tối đa và hiệu quả kinh doanh của công ty sẽ được cải thiện, công ty có thể phát triển lên một tầm cao mới.
Và dĩ nhiên điều quan trọng nhất là người chủ, người sáng lập nên doanh nghiệp phải là người hiểu thấu đáo, chia sẻ truyền thông nội bộ kiên trì liên tục cho mọi người cùng hiểu và cùng đưa vào trong công việc hằng ngày của họ, vào trong tâm trí họ, trái tim họ.

Chúc cho chúng ta luôn thành công và doanh nghiệp phát triển thành công tốt đẹp…

LEAVE A REPLY